Những tháng ngày rong ruổi trên các nẻo đường Tây Nguyên, tôi mải đi tìm “nhân vật” cho đề tài điền chủ trên vùng đất bazan. Từ Lâm Đồng, Đăk Lăk, rồi theo quốc lộ 14 sang Gia Lai, Kon Tum, tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc với hàng chục điển hình sản xuất giỏi, nhưng vẫn chưa có mẫu hình ấn tượng trong tôi. Thế rồi một hôm dừng chân mua cà phê ở tiệm Thu Hà – thị xã Pleiku, tôi phát hiện được “ người hùng” trang trại.

 

DOANH NGHIỆP
Năm thứ 7 số 12 (303) từ 24.3 đến 30.3.1999

Những tháng ngày rong ruổi trên các nẻo đường Tây Nguyên, tôi mải đi tìm “nhân vật” cho đề tài điền chủ trên vùng đất bazan. Từ Lâm Đồng, Đăk Lăk, rồi theo quốc lộ 14 sang Gia Lai, Kon Tum, tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc với hàng chục điển hình sản xuất giỏi, nhưng vẫn chưa có mẫu hình ấn tượng trong tôi. Thế rồi một hôm dừng chân mua cà phê ở tiệm Thu Hà – thị xã Pleiku, tôi phát hiện được “ người hùng” trang trại.

Ngô Tấn Giác (52 tuổi), chủ tiệm cà phê nổi tiếng Thu Hà, có thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, nhìn bề ngoài khó nhận biết được những điều lớn lao mà anh đã làm. Những ngày đầu giải phóng, anh không được trở về với nghề giáo, bèn tha phương vào TP.HCM bán than dạo. Thế rồi, sau một chuyến lên Pleiku thăm người anh ruột, anh đã bén rễ với nơi này. Năm 1986, thực hiện chương trình giãn dân của thi xã, gia đình anh được nhà nước cấp 3 sào đất trên vùng kinh tế mới Chư Á (thị xã Pleiku). Lúc này. Fulro còn lộng hành ở khu vực này, dân phải sang đất lại đi nơi khác sinh sống, anh mua một ít đất ấy. Đến năm 1992, anh đã có 3,5 ha cà phê. Sau đó, anh tự đọc sách giáo khoa – kỹ thuật rồi áp dụng trên mảnh vườn của mình. Đến năm 1995, anh rành từ khâu chọn giống, đào lỗ đến bón phân, tưới nước. Do vậy, năng suất vườn ươm đạt đến 5 tấn nhân/ha (năng suất bình quân ở Tây Nguyên chỉ 2 tấn nhân/ha)…



Từ năm 1995, với mong ước mở rộng vườn thành trang trại, anh vay vốn ngân hàng để đầu tư và mở rộng sản xuất, phát triển thêm 11,5 ha cà phê nữa. Anh đã tự ươm cây giống với giá thành 200 đ/cây ( giá thị trường lúc đó là 2.500 đ/cây). Vườn nhà anh chỉ sử dụng 12 ngàn cây giống, số còn lại đem bán đầu tư vào vườn ca phê.

- Anh dự tính gì cho mai sau?

- Nhà báo thấy đó, nông trại của tôi đâu chỉ có cà phê. Những năm trước tôi đã trồng được 400 cây sầu riêng, bây giờ đã có trái. Năm 1998 tôi đã trồng trên 100 nọc tiêu và hướng tới tôi sẽ phát triển thêm cây tiêu trên những mảnh đất mà cà phê cho năng suất thấp. Vì trồng tiêu khó bị ăn cắp và dễ chăm sóc hơn. Ý tưởng của tôi là làm ít nhưng hiệu quả hơn là làm nhiều mà năng suất thấp.

Tuy nói vậy, song anh vẫn không giấu được khát vọng trong đôi mắt khi nhìn đến những qủa đồi trồng khoai sắn chung quanh của đồng bào dân tộc các làng Trà Quả, Choét, Mé, Pông-la. Anh nói:

- Trồng cà phê thì dừng ở đó, chứ trồng cây ăn trái và chăn nuôi thì cũng nên lắm chứ. Tại sao mình không tận dụng những quả đồi này để nuôi hưu lấy nhung trong khi giá thị trường hiện nay là 2,5 triệu đồng/ cặp nhung.

- Vậy anh còn chần chờ gì nữa mà không làm?

- Tôi chờ ở chính sách. Nếu thoải mái tôi sẵn sàng đầu tư và hợp tác với dân tộc ở nơi này để giúp đỡ họ cùng làm giàu. Người làm kinh tế như tôi, việc cần nhất là phải biến đồng tiền của mình đầu tư ra sao cho đúng với chủ trương của Nhà nước.

Nắng chiều Pleiku nhuộm tím cả nông trang. Từ trên đỉnh đồi nông trại của anh Giác thả hồn về phố núi, tôi bất chợt nghe đâu có tiếng cựa mình của đất.