Tháng 10 / 95 tỉnh Gia Lai – Kon Tum có 3 đại biểu đi dự Hội nghị nông dân sản xuất giỏi tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Trong đó có 2 đại biểu là người dân tộc, một đại biểu nông dân. Đó là anh Ngô Tấn Giác mà sự nghiệp đã gắn liền với quán cà phê Thu Hà nổi tiếng không chỉ ở vùng sơn cước này.
THỜI BÁO KINH TẾ VIỆT NAM
Số 70 – thứ Bảy – 30/8/97
Tháng 10 / 95 tỉnh Gia Lai – Kon Tum có 3 đại biểu đi dự Hội nghị nông dân sản xuất giỏi tại Hội trường Ba Đình – Hà Nội. Trong đó có 2 đại biểu là người dân tộc, một đại biểu nông dân. Đó là anh Ngô Tấn Giác mà sự nghiệp đã gắn liền với quán cà phê Thu Hà nổi tiếng không chỉ ở vùng sơn cước này.
Quê Ngô Tấn Giác ở Mũi Né, Phan Thiết, năm nay vào tuổi 51. Có thể nói từ hai bàn tay trắng, nhờ lòng kiên trì và bí quyết kinh doanh, một nhà giáo đã biết khép kín kinh doanh cà phê từ gốc đến ngọn: trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm qua các đại lý và quán cà phê.
Nhà giáo nhạy bén thương trường
Đến Pleiku, buổi tối tiết trời thường se lạnh, làm người ta nghĩ ngay đến việc thưởng thức ly cà phê cao nguyên. Quán cà phê Thu Hà gây được nhiều ấn tượng vừa ngon, vừa rẻ. Nằm trên đường Nguyễn Thái Học, thị xã Pleiku, chủ quán cà phê Thu Hà vốn là một nông dân. Anh không chỉ giỏi trồng cà phê mà còn có đầu óc kinh doanh.
Trước khi bước vào thương trường anh là một giáo viên. Những lúc làm việc mệt mỏi anh thường uống cà phê, mãi rồi sinh nghiền. Một ý nghĩ thường quẩn trong đầu anh: ‘Tại sao mình không thể trồng và tiêu thụ cà phê?” Nhưng để bắt tay vào công việc, lúc đó trong tay Giác chỉ có 3 sào đất. Anh quyết định dựng cơ nghiệp trên nền cũ của quán cà phê Thu Hà đã nổi tiếng từ nhiều năm nay. Ở Pleiku vào những năm 88 – 92, giá cà phê giảm, tiền bán cà phê không đủ trả nhân công và vốn đầu tư. Nhiều hộ nông dân ở đây đã phải chặt, nhổ cà phê, trồng những cây khác thay thế. Riêng Giác vẫn kiên trì bám lấy cây cà phê. Bởi đây chính là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quán của anh, bởi cà phêâ Thu Hà chất lượng ổn định, từng có những khách hàng quen thuộc tới 15 năm nay.
Chinh phục thị trường bằng chất lượng
Khi mà mọi người chỉ quan tâm kiếm lợi nhuận bằng đủ mọi cách thì chủ quán Thu Hà chỉ chăm lo tới sở thích và yêu cầu của khách hàng. Cây cà phê không chỉ có thế mạnh ở Đắc Lắc, mà ở Gia Lai. Ngô Tấn Giác đã chứng minh rằng cây cà phê cũng hợp thời tiết, thổ nhưỡng. Chính ở đây anh đã đầu tư vào cà phê mang lại những lợi ích kinh tế to lớn.
Hiện nay, nhà giáo Ngô Tấn Giác đã trở thành triệu phú với 15 ha cà phê, chủ nhân một cơ sở sản xuất cà phê bột và quán cà phê Thu Hà nổi tiếng, một ao cá trong khu vườn. Những hộp cà phê mang nhãn hiệu Thu Hà đã có mặt khắp các siêu thị lớn trên khắp thị trường cả nước. Việt kiều về thăm quê hương cũng không quên mang theo những gói cà phê Thu Hà làm quà. Hỏi về bí quyết thành đạt của mình, anh Giác cho biết: “Làm ăn cốt lõi là phải lương thiện, phải quan tâm đến khách hàng. Cà phê phải nguyên chất, không độn. Song như thế vẫn chưa đủ, tôi phải chế biến cà phê chín vừa hái trên cây xuống. Cà phê còn non hoặc chín quá đem chế biến thì chất lượng không đảm bảo”.