Gia Lai là một trong năm tỉnh Tây Nguyên, thuộc vùng đất Bazan độ cao từ 800 – 1100 m so với mặt nước biển. Khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây trồng công nghiệp: cà phê và cao su. Trong năm có hai mùa mưa và nắng- khá phổ biến. Mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười, mùa khô ráo từ tháng Mười hai đến tháng Ba, rất ít mưa ( mưa giông)- nhiệt độ trong năm trung bình từ 13°C - 27°C.
Diện tích tự nhiên: 15.495 km2, dân số trung bình năm 1998 là 940.000 người. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47 % (chủ yếu là hai dân tộc Jrai và Bahnar) Diện tích cây cà phê ước khoảng 60.000 ha, cây cà phê Robusta là chủ lực. Sản lượng trung bình đạt từ 2 - 5 tấn nhân/ha. Trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất Tây Nguyên Gia Lai không bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
Gia Lai có đường biên giới với Campuchia dài 90 km- qua tỉnh có quốc lộ 14 xuyên Tây Nguyên nối từ Đà Nẵng đến Đông Nam Bộ - có quốc lộ 19 nối với duyên hải miền Trung, các tỉnh Đông Bắc Campuchia qua cửa khẩu Đức Cơ và quốc lộ 25 nối với Phú Yên.
+ Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng,
+ Phía Nam giáp tỉnh Đaklak,
+ Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên
+ Phía Tây giáp tỉnh Atopu của Lào và tỉnh Ranatakin của Campuchia.
Gia Lai có tiềm năng lớn về du lịch, nhất là du lịch sinh thái và lễ hội - có điểm du lịch như: Biển Hồ, Yali, Ayun hạ, diện tích mặt nước gần 10.000 ha. Miệng núi lửa Hàm Rồng và các khu rừng nguyên sinh và đặc biệt là văn hoá lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhà Rông Hội cồng chiêng Gia Lai Cồng chiêng Gia Lai
“ Còn chút gì để nhớ để thương ”
Hôm chia tay Pleiku - Gia Lai tôi đã đến quán cà phê Thu Hà một địa chỉ nổi tiếng bán cà phê ngon ở Pleiku. Chủ quán là Ông Ngô Tấn Giác - Người mà cách đây không lâu VTV1 đã có phóng sự giới thiệu Ông cùng sản phẩm cà phê Thu Hà đóng gói ngon nổi tiếng như một niềm tự hào của Pleiku. Ngồi nhâm nhi cà phê, thưởng thức hương vị đắng ngọt ấm nồng của cà phê trong một quán vườn, có ao cá và đủ cả “sơn thuỷ hữu tình ” ..
Tôi bỗng thấy lòng mình lưu luyến, vấn vương,.. bất chợt một giọng hát ấm nồng quen thuộc vang lên từ chiếc cat-xet của chủ quán càng khién lòng tôi thêm quấn quýt. ”Mai xa lắc trên đường biên giới ( với tôi là về thành phố ) còn một chút gì để nhớ, để thương...” ( Trích báo Sài Gòn Giải Phóng - Nguyễn Thu Tuyết - Thứ ba 3.2.1998)